Công nghệ blockchain và tài sản mã hóa đã và đang thay đổi sâu sắc cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu. Việc triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa đồng thời thúc đẩy Luật Công nghiệp công nghệ số cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số.
Các chuyên gia, diễn giả tham dự hội thảo đã chia sẻ về lợi ích của việc thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung và các vấn đề cần tháo gỡ trước khi triển khai thí điểm sàn giao dịch trên các góc độ pháp lý - tài chính - công nghệ.
Từ góc độ nhà đầu tư và doanh nghiệp, các vấn đề được quan tâm hàng đầu bao gồm thuế, bảo vệ người dùng, cấp phép sàn giao dịch và tuân thủ pháp lý. Những mối quan tâm này cũng phù hợp với khung đánh giá của Hội đồng Đại Tây Dương, đồng thời, phản ánh cam kết tuân thủ các quy định phòng chống rửa tiền, hướng tới việc đưa Việt Nam ra khỏi "Danh sách xám" của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).

Các chuyên gia, diễn giả tham dự hội thảo chia sẻ ý kiến.
Những thảo luận tại hội thảo cho thấy nhu cầu cấp thiết về một khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ để vừa thúc đẩy phát triển thị trường tài sản mã hóa, vừa đảm bảo an toàn tài chính và lợi ích của các bên liên quan.
Trước đó, tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số một cách lành mạnh, hiệu quả ngay trong tháng 3/2025.
22