Bằng thủ đoạn không mới, một Fanpage giả mạo với tên gọi “Kim Bôi Serena Resort”, gần giống như tên gọi Fanpage chính thức, đó là “Serena Resort Kim Bôi”, thậm chí Fanpage giả mạo này còn sao chép, đăng tải tin tức và có lượng tương tác không khác gì “hàng thật”.
Các khách hàng sau khi nhắn tin tới Fanpage giả mạo sẽ được quản trị viên mạo danh là nhân viên lễ tân của Khu nghỉ dưỡng, giới thiệu dịch vụ, rồi sau đó gửi thông tin để khách hàng chuyển khoản thanh toán mua dịch vụ phòng nghỉ.
Bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng sẽ yêu cầu du khách chuyển tiền đặt cọc trước, nếu không sẽ không giữ được phòng. Thế nhưng, ngay sau khi khách hàng thanh toán chuyển khoản xong, các đối tượng lừa đảo sẽ chặn liên lạc của khách hàng và biến mất, khiến du khách sập bẫy vừa mất tiền, vừa không đặt được phòng.
![f](https://mediatvphapluat.congnb.com/files/lesonhai/2025/02/15/f-1155.png)
Page mạo danh nhìn từ bên ngoài không khác gì "hàng thật"
Đại diện Khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi (Hòa Bình) cho biết đã xuất hiện một fanpage giả mạo Khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi và khẳng định, đây không phải kênh truyền thông của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó Tổng quản lý Khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi cho biết: “Việc mạo danh, sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của khu du lịch để thực hiện các hành vi lừa đảo, giả mạo, trục lợi là hành vi vi phạm luật, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác. Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của khách hàng chúng đơn vị đã làm việc với cơ quan chức năng, thực hiện cảnh báo liên tục trên các kênh truyền thông của khu du lịch. Công ty cũng mong muốn các cơ quan chức năng cùng quyết liệt vào cuộc để xử lý nghiêm minh hành vi lừa đảo này theo đúng các quy định của pháp luật."
![Sequence 37.00_07_48_24.Still003](https://mediatvphapluat.congnb.com/files/lesonhai/2025/02/15/sequence-3700_07_48_24still003-1201.png)
Các đối tượng xấu cắt ghép, ngụy tạo các thư xác nhận đặt phòng để lừa khách hàng.
Theo Tiến sỹ Tội phạm học Đào Trung Hiếu, hiện nay, thủ đoạn giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội đang ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đặc biệt là việc tạo các trang Fanpage mạo danh có tương tác cao hoặc thậm chí có dấu tick xanh. Do đó, để ngăn ngừa các hành vi lừa đảo qua Fanpage giả mạo, Tiến sỹ Tội phạm học Đào Trung Hiếu cũng đưa ra một số khuyến cáo cho cả khách hàng và các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch. Cụ thể như sau:
![vv](https://mediatvphapluat.congnb.com/files/lesonhai/2025/02/15/vv-1206.png)
Tiến sỹ Tội phạm học Đào Trung Hiếu. (Ảnh: Dân Việt)
Đối với khách hàng:
1. Luôn xác minh thông tin đặt phòng qua nhiều nguồn.
Trước khi thực hiện thanh toán, khách hàng cần kiểm tra thông tin từ website chính thức, tổng đài hỗ trợ hoặc các ứng dụng đặt phòng uy tín như Agoda, Booking.com.
2. Không thanh toán qua tài khoản cá nhân.
Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn uy tín thường sử dụng tài khoản công ty để nhận tiền đặt cọc. Nếu được yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân, khách hàng cần cảnh giác.
3. Giữ bằng chứng giao dịch.
Luôn lưu giữ các email, tin nhắn và biên lai giao dịch để làm bằng chứng khi có sự cố xảy ra.
Đối với doanh nghiệp:
1. Tăng cường bảo vệ thương hiệu trên mạng.
Doanh nghiệp cần đăng ký tick xanh chính thức trên Facebook và các nền tảng khác để khách hàng dễ nhận diện.
Thường xuyên rà soát, phát hiện và báo cáo các trang giả mạo.
2. Cảnh báo và hướng dẫn khách hàng.
Đăng các thông báo cảnh báo trên website, Fanpage chính thức về tình trạng lừa đảo và hướng dẫn khách hàng cách phân biệt trang thật – trang giả.
3. Hợp tác với cơ quan chức năng.
Khi phát hiện các trang giả mạo, doanh nghiệp cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng và Facebook để kịp thời xử lý. Việc nâng cao nhận thức và cảnh giác sẽ giúp khách hàng tránh được các rủi ro không đáng có, đồng thời góp phần bảo vệ uy tín và thương hiệu của các doanh nghiệp du lịch.
![Sequence 37.00_04_34_12.Still004](https://mediatvphapluat.congnb.com/files/lesonhai/2025/02/15/sequence-3700_04_34_12still004-1204.png)
Luật sư Vũ Đình Hưng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Theo Luật sư Vũ Đình Hưng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin và nên lựa chọn dịch vụ đặt phòng của những công ty, doanh nghiệp uy tín; các số hotline chính thức, website đã thông báo với Bộ Công thương hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch) như Traveloka, Agoda, Booking,...
Để yên tâm hơn, người dân có thể liên hệ, đề nghị phía khách sạn, resort cung cấp giấy phép hoạt động kinh doanh, thông tin pháp lý,… của công ty đó để tra cứu, đối chiếu trên một số nguồn tin cậy như mã số thuế, Cục Quản lý lữ hành,… Bên cạnh đó, khách hàng phải thật cảnh giác khi nhận được lời mời chào với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30 - 50% so với giá chung của thị trường).
Đặc biệt, khi đơn vị yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, khách hàng nên thận trọng kiểm tra thông tin trước khi chuyển khoản nên gọi điện liên hệ trực tiếp với hotline chính thức của khách sạn/resort đó để xác minh thật hay giả, nếu có thể chỉ nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp.
Trước tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực du lịch ngày càng gia tăng, ngày 12/2, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã có văn bản gửi tới các sở quản lý du lịch địa phương cũng như đưa ra lời khuyến cáo cho người dân.
Cụ thể, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin của các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch nói chung và cơ sở lưu trú du lịch nói riêng trước khi đặt dịch vụ.
Khi thực hiện giao dịch thanh toán, người dân chỉ nên đặt dịch vụ tại các website, fanpage chính thức của đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch do cơ quan quản lý du lịch địa phương cung cấp hoặc qua các nền tảng đặt dịch vụ có uy tín.
Đồng thời, Cục cũng yêu cầu sở ban ngành của các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
40