Ở thời điểm tháng 11/2024, đối với 5 dự án được các sở, ban, ngành của TP Hà Nội báo cáo và thảo luận gồm: Dự án đầu tư xây dựng Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh); Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai);
Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III (quận Hoàng Mai); Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa tại số 148 phố Giảng Võ (quận Ba Đình); Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất).
Để xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc của từng dự án trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần có cách tiếp cận mới trong thẩm quyền, chủ động rà soát với trách nhiệm cao nhất, bảo đảm đưa các tài nguyên, tiềm năng của thành phố trở thành động lực và nguồn lực thúc đẩy phát triển Thủ đô, thực sự mang lại lợi ích cho xã hội, cho nhân dân.
"Không để xảy ra tình trạng cản trở, chậm trễ, kéo dài thời gian triển khai thực hiện các dự án đầu tư công cũng như dự án ngoài ngân sách", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo.
Đơn cử như dự án Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp là hình mẫu cho sự lãng phí, khi nhiều khu nhà bỏ hoang, cỏ mọc khiến dư luận rất bất bình.
Để giải quyết tình trạng kể trên, TP Hà Nội đã quyết định chuyển đổi hạng mục của khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội.
Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp nhìn từ trên cao.
Trong đó, đối với dự án xây dựng Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp, yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố phối hợp, thực hiện quyết toán theo hạng mục hoàn thành; hoàn thành trong tháng 12/2024. Riêng hạng mục trạm biến áp thực hiện việc thanh quyết toán sau.
Ngoài ra, về chuyển đổi các hạng mục A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội cho thuê, Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố khẩn trương thực hiện lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND TP xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025. Trên cơ sở đó, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027.
Ngoài những dự án kể trên, trên địa bàn TP Hà Nội cũng có nhiều dự án chậm tiến độ, bị biến tướng, trong đó phải kể đến khu đất trên đường Nguyễn Thời Trung (phường Thạch Bàn, quận Long Biên).
Theo ý kiến phản ánh của cử tri tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội thời gian qua trên khu vực đất dự án ở đường Nguyễn Thời Trung có một số đơn vị đang biến tướng các ô đất chưa đưa vào sử dụng thành nơi tập kết xe tải, ô tô, vận chuyển hoa quả…
Vậy trước phản ánh của người dân, thực trạng này được cơ quan chức năng giải quyết ra sao?
Theo đó, qua ghi nhận của phóng viên tại khu đất dự án mở đường và công viên cây xanh tại khu vực đường Nguyễn Thời Trung đang bị một số cá nhân, đơn vị biến thành bãi tập kết và bốc dỡ hoa quả. Đơn cử nơi đây xuất hiện các bãi trưng bày, bày bán xe tải, xe đầu kéo, máy xúc…có diện tích rất rộng lên tới hàng trăm m2.
Điều đáng nói là bên trong đó cũng tồn tại luôn 1 bãi tập kết trông giữ xe, bốc dỡ hàng hoá với biển tên “bãi xe Việt Tú trông giữ xe 24/24”.
Không chỉ vậy, ngoài khu vực trông giữ xe, bày bán xe ô tô, thì có một bãi bốc dỡ hàng hóa trái cây, hoạt động rất tấp nập. Nhộn nhịp nhất vào khoảng 16h đến 18h chiều.
Thời điểm này có rất xe contener chở các loại hoa quả từ khắp nơi đổ về và được nhiều đối tượng bốc dỡ ngay tại đây. Các xe tải nhỏ với trọng lượng từ 5 tạ đến 2 tấn đua nhau vào bốc hoa quả để đưa sang khu vực chợ Long Biên và phụ cận.
Trước thực trạng kể trên, xác nhận với PV báo Pháp luật Việt Nam, phía UBND phường Thạch Bàn cho biết khu vực này là khu vực đất nông nghiệp thu hồi để thực hiện dự án làm đường và khu cây xanh công cộng. Dự án đang được triển khai. Trong khi đó, phía lãnh đạo Công an phường Thạch Bàn cho biết sẽ kiểm tra và thông tin lại với phóng viên.
Như vậy, trước thực tế ghi nhận phản ánh của nhân dân cũng như thông tin từ phía chính quyền địa phương có thể thấy việc cử tri nêu lên những tồn tại trong việc quản lý sử dụng đất tại đường Nguyễn Thời Trung là có căn cứ.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến 15/6/2024, trong tổng số 712 dự án chậm triển khai đã có 705 dự án với tổng diện tích 11.345 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
1