Hà Nội gỡ vướng đối với dự án kéo dài, chậm đưa vào sử dụng
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội vừa qua đã chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư xây dựng kéo dài, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại phiên họp, đó là để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư xây dựng kéo dài, chậm đưa vào sử dụng trên địa bàn Thành phố và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống lãng phí, một số dự án tiếp theo được tập trung tháo gỡ.
Đối với Dự án Tổ hợp Văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ để bán tại số 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho rằng, dự án đã kéo dài nhiều năm, đến thời điểm này TP cần tập trung giải quyết, tháo gỡ nhằm chống lãng phí, không gây thiệt hại cho Nhà nước.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu căn cứ vào nhận định, đánh giá của Ban Chỉ đạo, các cơ quan có liên quan trình Ban Cán sự Đảng UBND TP xem xét, quyết định. Trong tháng 1/2025 phải xử lý dứt điểm dự án này.
Đối với Dự án khu chức năng đô thị tại số 233, 233B và 235 đường Nguyễn Trãi (hay được gọi là khu Cao Xà Lá, quận Thanh Xuân), để tránh trường hợp cơ sở sản xuất đã di dời nhưng để hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng, đảm bảo thực hiện đầu tư một khu đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ được hạ tầng chung khu vực, đem lại hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho TP, Ban Chỉ đạo đề nghị Sở TN&MT Hà Nội chậm nhất trong tuần này hoàn thiện nội dung trình UBND TP ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của TP.
Phiên họp cũng xem xét nội dung việc quản lý các cơ sở nhà, đất là trụ sở các cơ quan Trung ương và địa phương trên địa bàn quận Hà Đông. Theo đó, Có 6 cơ sở nhà, đất thuộc 5 Bộ, ngành Trung ương được rà soát là đang không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; Có 2 cơ sở nhà, đất do 2 sở, ngành, đơn vị thành phố đang không sử dụng. Sở Tài chính đã đề xuất phương án chuyển giao các cơ sở nhà, đất này về địa phương quản lý.
Đối với phương án xử lý cơ sở nhà, đất, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý các ngành chức năng chú trọng công tác tổng kiểm kê tài sản công. Đồng thời cần đón đầu việc xử lý tài sản, trụ sở công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Quy định mới về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 25/2024 định quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Thông tư gồm 5 chương, 142 điều quy định về quy trình kỹ thuật xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai gồm các cơ sở dữ liệu thành phần: Địa chính; điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thống kê, kiểm kê đất đai; dữ liệu khác liên quan đến đất đai. Đồng thời, quy định về quy trình kỹ thuật xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai và cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trong đó, Thông tư quy định thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai theo quy định tại khoản 1 Điều 165 của Luật Đất đai được thiết kế theo mô hình dữ liệu gồm: Dữ liệu không gian đất đai, dữ liệu thuộc tính đất đai, dữ liệu đất đai phi cấu trúc và siêu dữ liệu đất đai.
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tồn kho nhiều, ít giao dịch
Trong khi nhiều phân khúc bất động sản như chung cư, liền kề, biệt thự có sự hồi phục về thanh khoản và giá, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn gặp khó. Lượng hàng tồn kho chủ yếu là sản phẩm cao cấp có giá trị lớn, thanh khoản ít.
Theo báo cáo của DKRA loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp trong quý III/2024 ở mức thấp, chủ yếu từ dự án đã mở bán từ những năm trước. Sản phẩm thứ cấp cũng ghi nhận diễn biến ảm đạm tương tự khi không phát sinh giao dịch.
Còn với loại hình condotel , nguồn cung sơ cấp quý III tăng 2% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ dự án cũ. Nguồn cung mới tiếp tục vắng bóng trong 2 năm qua do sự thận trọng của nhiều chủ đầu tư trước tình hình khó khăn.
Theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu BHS Group, nguyên nhân chính khiến bất động sản nghỉ dưỡng "ảm đạm" là suất đầu tư phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao, gặp nhiều thách thức trong vận hành và tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư trước đây vẫn chôn vốn do dự án không thể đưa vào vận hành kinh doanh và cũng không có thanh khoản.
8