1 - Sẽ có khoảng 340.000 tỷ đồng được tiếp thêm cho nền kinh tế
Theo Ngân hàng Nhà nước, chỉ tính riêng tuần đầu tháng 12, tín dụng đã tăng thêm 0,6% trên toàn hệ thống, cho thấy nhu cầu vốn trong mùa cao điểm sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cuối năm đang tăng tốc.
Sức hấp thụ vốn tốt hơn, nên việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay được đánh giá là trong tầm tay.

Tổng dư nợ của toàn nền kinh tế hiện vào khoảng 15,3 triệu tỷ đồng, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước.
Mức tăng trưởng tín dụng đạt 12,5% so với cuối năm ngoái, cao hơn 3,5% so với cùng kỳ, cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang tiếp tục được cải thiện, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm.
Dự báo, sẽ có thêm khoảng 340.000 tỷ đồng được tiếp thêm cho nền kinh tế từ nay đến cuối năm.
2 - Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam năm 2025 sẽ tăng trưởng 6,7%
Ngân hàng Standard Chartered đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam dự báo đồng USD tăng mạnh lên trong năm 2025 nhưng sẽ suy yếu trong thời gian đầu năm.

Ngân hàng cũng dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025, với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm đạt 7,5% so với cùng kỳ năm trước và ở mức 6,1% trong nửa cuối năm.
Theo chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, Việt Nam vẫn đang đạt mức tăng trưởng tốt. Xuất khẩu tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước trong 10 tháng năm 2024, trong khi nhập khẩu tăng 16,8%; với ngành xuất nhập khẩu hàng điện tử đang tiếp tục phục hồi.
Ngành sản xuất tăng trưởng vững chắc cùng chính sách tiền tệ phù hợp cũng góp phần vào sự phục hồi kinh tế từ đầu năm đến nay.
Đặc biệt, Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tăng, được minh chứng bởi dòng vốn FDI mạnh mẽ. FDI giải ngân tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước trong khi FDI cam kết tăng 1,9% trong cùng kỳ.
3 - Hà Nội sẽ hỗ trợ đổi xe máy cũ ở vùng hạn chế phương tiện ô nhiễm
Ngày 12/12, HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2025.
Nghị quyết này quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp trên địa bàn TP Hà Nội.

Các biện pháp áp dụng trong vùng phát thải thấp gồm: Cho phép các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp;
Cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp; hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực
Đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải; đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác...
Về lộ trình thực hiện vùng phát thải thấp, từ năm 2025 đến năm 2030: Thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp. Từ năm 2031 trở đi các khu vực trên địa bàn thành phố có một trong các tiêu chí quy định tại Điều 4 Nghị quyết này phải thực hiện vùng phát thải thấp.
17