Thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 205 tỷ USD
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm ngoái đạt hơn 205 tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam thiết lập được quy mô thương mại ở mức kỷ lục, vượt hơn 200 tỷ USD với thị trường Trung Quốc.
Năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 61,2 tỷ USD, giảm khoảng 100 triệu USD so với năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 144 tỷ USD, tăng tới hơn 30%.
Trung Quốc cũng tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 26% kim ngạch xuất nhập khẩu. Hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước đa dạng, phong phú từ nông sản đến nguyên phụ liệu, hàng điện tử, hàng tiêu dùng…

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Hà Nội mới)
Theo dự báo của các chuyên gia, thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và các hiệp định thương mại đa phương.
Bộ Công Thương yêu cầu không để xảy ra găm hàng, tăng giá dịp Tết
Bộ Công Thương vừa có chỉ thị thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và quý 1/2025.
Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn.
Các đơn vị cần đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp trước, trong và sau Tết, triển khai phương án chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung quy mô lớn, đồng bộ trên toàn quốc để khuyến khích người dân mua sắm hàng Việt.
Cùng đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty triển khai kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa, đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu với giá cả hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Bộ Công Thương nêu rõ, Các doanh nghiệp giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối, ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá ảo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá
Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện Chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn.
Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long được thí điểm năm ngoái là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo An Giang)
Nếu thực hiện thành công 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, có thể giúp toàn ngành lúa gạo tăng giá trị thêm khoảng 21.000 tỷ đồng/năm.
Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh, thành: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ hè thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực.
27