Thanh tra Ngân hàng Nhà nước phát hiện hạn chế, thiếu sót trong hoạt động cho vay tại ngân hàng ACB chi nhánh Nghệ An
Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh tỉnh Nghệ An vừa công bố kết luận thanh tra Ngân hàng TMCP Á Châu, chi nhánh Nghệ An (ACB Nghệ An), có trụ sở đặt tại 37A đường Quang Trung, phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Kết luận thanh tra nêu rõ, hoạt động cấp tín dụng của ACB Nghệ An về chất lượng công tác thẩm định, xét duyệt cho vay; kiểm tra giám sát cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót.
Theo đó, ACB Nghệ An thẩm định và quyết định cho vay đối với một số khách hàng chưa chặt chẽ, chưa đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (đã sửa đổi, bổ sung). Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát sau cho vay đối với một số khách hàng chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời các tài liệu theo quy định của pháp luật.

Đối với hoạt động huy động vốn, lãi suất huy động VND và ngoại tệ, ACB Nghệ An thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, các quy định khác của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về huy động vốn trong thời kỳ thanh tra và quy định nội bộ của ACB. Lãi suất huy động vốn tuân thủ mức lãi suất đối với tiền gửi bằng VND do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ. Việc huy động USD, Chi nhánh chấp hành mức lãi suất huy động mà Ngân hàng Nhà nước quy định.
Về hoạt động kinh doanh ngoại tệ, ACB Chi nhánh Nghệ An đã nghiêm túc thực hiện quy định về tỷ giá, đối tượng mua, bán và hồ sơ chứng từ mua bán ngoại tệ.
Về việc thực hiện các quy định về phòng, chống rửa tiền, đơn vị đã phân công Trưởng Bộ phận vận hành giao dịch ngân quỹ là nhân sự chịu trách nhiệm triển khai việc thực hiện công tác này để thực hiện nhận biết khách hàng và cập nhật thông tin khách hàng trong suốt quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng; thực hiện phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro và tiến hành giám sát, phân tích rà soát giao dịch đáng ngờ theo quy định nội bộ của ACB và quy định của pháp luật.
Về thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, tội phạm trong ngành ngân hàng, ACB chi nhánh Nghệ An đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Thành lập, kiện toàn, xây dựng và hoàn thiện Quy chế hoạt động của Tiểu ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tội phạm tại chi nhánh; quán triệt và giám sát việc thực hiện các quy định nội bộ liên quan bộ quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo; trong thời kỳ thanh tra không phát sinh vụ việc tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị.
Căn cứ kết quả thanh tra, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An yêu cầu ACB Chi nhánh Nghệ An thực hiện kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân liên quan đến các tồn tại, sai sót, thực hiện trước 31/1/2025. Đồng thời, đơn vị rà soát và có các ứng xử tín dụng để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cho vay, thực hiện trước 31/1/2025.
Cơ quan thanh tra cũng yêu cầu ACB chi nhánh Nghệ An thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn, thực hiện trước 31/3/2025.
Bộ Xây dựng yêu cầu thanh tra, xử dự án BĐS tăng giá bất thường
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký quyết định 110 ban hành kế hoạch thực hiện Công điện 130 của Thủ tướng về tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội và chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản, thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản.

TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh báo Kinh tế đô thị.
Theo đó, bộ yêu cầu các đơn vị thuộc bộ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện pháp luật về nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về phát triển nhà ở xã hội hoặc các vụ việc có khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân.
Nửa tỷ USD tiền ngoại đã rút khỏi sàn chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2025
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn từ khối ngoại khi liên tục bán ròng mạnh tay trên diện rộng, mức độ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và cường độ vẫn dồn dập. Tính từ đầu năm 2025 đến hết phiên 17/2, khối ngoại đã bán ròng xấp xỉ 13.600 tỷ đồng, tương ứng giá trị hơn nửa tỷ USD.

Nhìn rộng ra, trong 26 tháng trở lại đây, khối ngoại chỉ tạm dừng xả hàng trong tháng 1, 3/2023 và tháng 1/2024. Giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm 2023 tới hiện tại đã vượt mức 130.600 tỷ đồng, đồng nghĩa khoảng 5,1 tỷ USD vốn ngoại đã bị rút ra khỏi sàn chứng khoán Việt.
Dòng vốn đầu tư vào các thị trường tài chính có thể tiếp tục chịu áp lực do kỳ vọng về tốc độ cắt giảm lãi suất chậm hơn dự báo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, những diễn biến khó lường trong chính sách kinh tế và thương mại của Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump cũng làm gia tăng tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
11