Cao su, sầu riêng xuất khẩu vượt 3 tỷ USD
Trong bối cảnh nguồn cung thế giới thiếu hụt, cao su xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 dù giảm về lượng nhưng kim ngạch vẫn tăng trưởng 7,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 3,18 tỷ USD – số liệu lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2024.
Mức tăng trưởng này do giá xuất khẩu trung bình cao su tăng 25,2% so với cùng kỳ, từ 1.347 USD/tấn tại kỳ trước lên 1.687 USD/tấn tại kỳ này.
Trong khi đó, theo cơ quan hải quan, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sau 11 tháng cũng đạt hơn 3,1 tỷ USD chiếm gần một nửa kim ngạch xuất rau quả năm nay, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sang năm 2025, xuất khẩu sầu riêng dự kiến tiếp tục bứt phá khi Trung Quốc mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới như sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng. Ngoài sầu riêng, xuất khẩu các loại trái cây khác như chuối, mít, xoài và dừa cũng ghi nhận mức tăng 20 - 400%.
Thu ngân sách từ 1.200 - 1.500 tỷ đồng từ phòng vệ thương mại
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, công tác phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước.
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra 30 vụ việc phòng vệ thương mại.
Thu ngân sách hàng năm từ thuế phòng vệ thương mại đạt từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng. Bảo vệ các ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam như ngành sản xuất thép với 14 biện pháp, thực phẩm 5 biện pháp, hóa chất là 4 biện pháp và vật liệu xây dựng 2 biện pháp. Theo đó, thuế chống bán giá, chống trợ cấp thu nộp ngân sách hàng năm hơn 1.000 tỷ đồng.
Ở phía ngược lại, đến nay, đã có 272 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Gần 200 triệu tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, tính đến cuối quý 3/2024, số lượng tài khoản thanh toán khách hàng cá nhân trong hệ thống ngân hàng đã đạt 197,97 triệu tài khoản, tăng hơn 15.000 tài khoản so với cuối năm 2023.
Cùng với lượng tài khoản tăng vọt, số dư trong tài khoản thanh toán của người dân cũng đạt kỷ lục mới.
Số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân cuối quý 3/2024 đạt hơn 1,19 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 98 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 9% so với đầu năm, đạt. mức kỷ lục tiền gửi thanh toán của cá nhân ở hệ thống ngân hàng từ trước đến nay.
Như vậy, trong vòng 5 năm qua, số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân đã tăng 2,7 lần, trong khi số tài khoản thanh toán cũng tăng 2,3 lần.
1