Một trong những nội dung đáng chú ý của lần sửa đổi này là những điểm mới của hoạt động mua bán điện trong đó đã bổ sung hợp đồng kỳ hạn điện, là một hợp đồng tài chính phái sinh để các bên quản lý rủi ro khi tham gia thị trường điện.
Việc quy định hợp đồng kỳ hạn điện tại luật là cơ sở pháp lý để hướng dẫn cơ chế thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hợp đồng này.
Hiện nay, Luật Điện lực có quy định về hai hình thức mua bán điện trong thị trường điện lực là mua bán giao ngay và mua bán qua hợp đồng có thời hạn. Đối với thị trường điện cạnh tranh, trong bối cảnh giá điện trên thị trường giao ngay dao động rất nhanh theo từng chu kỳ giao dịch (hiện nay là 30 phút) thì hợp đồng kỳ hạn là công cụ hữu hiệu và cần thiết để bên bán và bên mua quản lý rủi ro biến động giá thị trường.
Tuy nhiên, tại Luật Điện lực 2014 chưa có quy định về hợp đồng kỳ hạn trong các giao dịch trên thị trường điện. Do đó, quy định về mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo cấp độ của Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024 đã bổ sung thêm hình thức mua bán thông qua hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện giữa bên bán điện và bên mua điện.
Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2025, gồm 9 Chương, 81 Điều, đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55 ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
6