Sáng 9/1, tại Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam".
Tới dự và chủ trì Toạ đàm có TS. Nguyễn Thanh Tịnh, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Đồng Chủ trì và điều hành Toạ đàm là TS. Vũ Hoài Nam - Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế; Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, chuyên gia luật pháp, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam...
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, hiện nay, khung pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân cơ bản đã tương đối đồng bộ. Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm, thường xuyên chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách là rào cản cho sự phát triển. Qua đó đã góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực mới để thúc đẩy sự phát triển.
Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy yêu cầu về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc tại Nghị quyết số 41-NQ/TW chưa được cụ thể hóa. Tọa đàm "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam" là tọa đàm đầu tiên về chủ đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh bày tỏ mong muốn các đại biểu sẽ tập trung, thảo luận sâu về khái niệm, mô hình doanh nghiệp; tiêu chí để xác định doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam cũng như chỉ ra được những đặc trưng, đặc điểm riêng có của doanh nghiệp dân tộc Việt Nam so với các doanh nghiệp dân tộc khác trên thế giới...
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và xã hội được nâng cao; việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được đẩy mạnh; môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi.
Tuy nhiên, sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, Một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật.
Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu; chưa quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nhân.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, khách mời đã nêu các ý kiến, đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp dân tộc, hỗ trợ phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
1