Tại buổi làm việc, Luật sư Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VIAC đã báo cáo tóm tắt các hoạt động của VIAC, nhấn mạnh vai trò của trọng tài và hòa giải, cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước cho hoạt động này.
Theo đó, Luật sư Vũ Ánh Dương cho biết, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang ngày càng phát triển và trở nên phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, vấn đề giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài được xác định là một nội dung quan trọng. Đảng và Nhà nước ta luôn có các chủ trương, chính sách khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài; cùng với đó là hoàn thiện thể chế trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Điều này được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam được thành lập vào năm 1993; là tổ chức trọng tài, hòa giải lâu đời tại Việt Nam và có uy tín quốc tế. Chức năng nhiệm vụ chính của VIAC là giải quyết tranh chấp thương mại bằng hai phương thức là hoà giải và trọng tài. Trong những năm gần đây, với đội ngũ gồm 197 trọng tài viên và 72 hoà giải viên, VIAC đã giải quyết hơn 3000 tranh chấp trong nước và quốc tế liên quan đến tất cả lĩnh vực liên quan đến thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và thương mại đầu tư. Các bên tranh chấp hầu hết đến từ các tỉnh thành tại Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Thay mặt Trung tâm Trọng tài Quốc tế, GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch VIAC đã bày tỏ vinh dự khi tham dự buổi làm việc. Chủ tịch VIAC, nhấn mạnh yêu cầu về đổi mới tư duy trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế và nhiệm vụ của VIAC đối với yêu cầu trên. Chủ tịch VIAC cũng đánh giá cao sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp. Trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ luôn quan tâm, theo sát và hỗ trợ kịp thời các hoạt động VIAC góp phần quan trọng đối với sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các chuyên gia đến từ VIAC đã thảo luận, đưa ra quan điểm về các nội dung liên quan đến xây dựng và hoàn thiện thể chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài, đặc biệt là giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Cụ thể là các vướng mắc trong vấn đề thi hành phán quyết của trọng tài quốc tế; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các quy định tại Luật mẫu UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh ghi nhận những kết quả đã đạt được của VIAC. Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Tư pháp với vai trò quản lý nhà nước trong thiết chế trọng tài sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài và hoà giải; tiếp tục phát triển thiết chế trọng tài nhằm nâng cao hiệu quả trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng công tác hoà giải và trọng tài.
1