Chiều 6/12, tại Hòa Bình Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.
Diễn đàn nhằm mục đích nhằm đưa ra hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía bắc, cập nhật tiến độ mở cửa thị trường và yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường đối với sản phẩm cây ăn quả.
Đồng thời, giới thiệu, phổ biến các quy trình, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý tổng hợp sinh vật gây hại trên một số loại cây ăn quả chủ lực và các giải pháp sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm rau quả.
Theo báo cáo, ngành rau quả của Việt Nam đang khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta 11 tháng năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023… Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài.
Dự kiến, xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 có thể đạt tới 7,2 tỷ USD; trong đó riêng xuất khẩu sản phẩm các loại quả có thể đạt tới trên 6,5 USD. Các tỉnh phía Bắc, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam, bưởi, mận và đào…
Hiện Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, chia sẻ xác định cây ăn quả là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như cải tạo vườn tạp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng đề án tái canh cây ăn quả có múi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại… Tất cả đều dựa theo tinh thần xuyên suốt “tập trung nâng cao chất lượng chuỗi giá trị nông sản, không phát triển nóng”.
Đại diện ngành nông nghiệp Hòa Bình ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt cho biết, những năm gần đây, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc nhập khẩu các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng.
“Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, việc chuẩn hóa và thí nghiệm các sản phẩm trở nên vô cùng quan trọng”.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đến từ các cơ quan có liên quan đã chia sẻ tại diễn đàn để góp phần thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, đảm bảo tính bền vững, hài hòa lợi ích, giảm bớt khâu trung gian, tiết kiệm chi phí, tăng sức cạnh tranh, giúp gia tăng chất lượng, giá trị, các doanh nghiệp chủ động được nguồn cung với giá cả ổn định.
27