Việt Nam dự kiến đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ABAC vào năm 2027 – một thời điểm mang tính chiến lược trong tiến trình hội nhập sâu rộng. Trong bối cảnh đó, ABAC III năm 2025 được xem là bước chuẩn bị thiết thực cả về nội dung, nhân sự và năng lực tổ chức cho vai trò sắp tới.
Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) được thành lập năm 1995 nhằm cung cấp các khuyến nghị trực tiếp từ khu vực tư nhân tới lãnh đạo các nền kinh tế thành viên. Mỗi nền kinh tế có tối đa ba đại diện là lãnh đạo doanh nghiệp tiêu biểu, góp phần đảm bảo tính đại diện, đa dạng và thực tiễn trong quá trình tham vấn chính sách.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Hải Phòng - Điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới”, Uỷ viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, Việt Nam hiện là một trong những điểm sáng về tăng trưởng ở Châu Á với hơn 786 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024; đồng thời nằm trong top 20 quốc gia về Thương mại quốc tế của thế giới và cũng là điểm đến hấp dẫn về đầu tư, hiện có gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam đã và đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và Hải Phòng chính là cửa ngõ xuất khẩu lớn nhất miền Bắc, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong mạng lưới khu vực.
Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư đến từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, và các nền kinh tế APEC đã chọn Hải Phòng là nơi triển khai các dự án lớn - từ công nghiệp hỗ trợ, sản xuất điện tử, công nghệ cao, đến trung tâm đổi mới sáng tạo và dịch vụ logistics thông minh.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trao Nghị quyết số 226/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế, với nhiều dự án quy mô lớn có ý nghĩa, vai trò động lực, đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của Hải Phòng với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 15,6 tỷ USD
8