I. TRÓT ĐÓNG TIỀN CỌC, DỰ ÁN TRỤC TRẶC, KHÁCH HÀNG KHÔNG BIẾT ĐÒI AI
Một số khách hàng tại dự án Ha Noi Garden City phản ánh cho biết, sau khi họ ký hợp đồng đăng ký đặt mua căn hộ tại dự án thành phần 88 Central, thuộc dự án Ha Noi Garden City, Chủ đầu tư từng cam kết với họ chậm nhất vào tháng 12/2020 sẽ phát hành thông báo ký hợp đồng mua bán bất động sản tới khách hàng.

Dự án Ha Noi Garden City rơi vào cảnh tiêu điều, cỏ mọc um tùm. Ảnh: PT/Báo Nông nghiệp và Môi trường.
Để hoàn thành thủ tục, các khách hàng đã nộp tiền vào tài khoản chủ đầu tư theo đúng cam kết để đăng ký đặt mua căn hộ, thế nhưng đã 6 năm trôi qua, đến nay dự án không được triển khai và Chủ đầu tư cũng không đưa ra bất kỳ giải pháp hợp lý nào đối với việc "om tiền" của khách hàng suốt 6 năm qua.
II. LỜI CẢNH TỈNH CHO KHÁCH HÀNG BOOKING KHI MUA "LÚA NON" TẠI DỰ GREENERA SOUTHMARK
Trường hợp tại Ha Noi Garden City có thể coi là lời cảnh tỉnh “mạnh mẽ” cho khách hàng trước những lời mời gọi hấp dẫn của các môi giới. Nhưng dù cho các cơ quan chức năng, các chuyên gia đã phát đi lời cảnh báo, nhưng tình trạng mua lúa non, booking – nhận cọc ở những dự án chưa đủ điều kiện để mở bán vẫn diễn ra công khai và thường xuyên.

Nhiều môi giới vây quanh công trường một dự án tại Long Biên để chào mời booking, giữ chỗ.
Như Báo PLVN trước đó đã thông tin, vào đầu tháng 7/2025, nhiều môi giới bất động sản đã đổ bộ ở khu vực công trường thi công trên địa bàn phường Long Biên.
Không hề giấu diếm chuyện dự án vẫn đang còn thi công móng, chưa đủ điều kiện để mở bán, các môi giới ở đây đã nhanh chóng trấn an khách hàng rằng khi xuống tiền booking với trị giá từ 100 triệu đồng/suất, khách hàng có thể hủy booking nếu muốn và nhận lại 100% số tiền đã đóng.
Tương tự, tại dự án khu nhà ở tại số 486 Ngọc Hồi, Hà Nội, thường được giới thiệu với cái tên thương mại Greenera Southmark, vừa được được Công ty CP Tổng Bách Hoá và Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm Lễ khởi công vào ngày 10/3/2025.
Các nhân viên môi giới cũng khẳng định dự án chưa được mở bán và phải đến tháng 9 mới hoàn thành thi công móng. Dù vậy, khách hàng có thể booking – đặt cọc giữ chỗ ngay từ tháng 7.

Phía bên trong công trường của Greenera Southmark (Ảnh do môi giới cung cấp)
Đáng chú ý, trường hợp của Dự án Greenera Southmark đều không nằm trong danh sách các dự án nhà ở đủ điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội (cập nhật đến tháng 6/2025) do Sở Xây dựng công bố.
Như vậy, hành vi nhận tiền đặt cọc để giữ chỗ, giữ vị trí căn hộ tại các dự án chưa đủ điều kiện mở bán đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
III. CHUYÊN GIA PHÁP LÝ NÓI GÌ?
Bên cạnh những rủi ro như: Khó đòi lại tiền cọc do hợp đồng nhận cọc bị cài cắm những điều khoản bất lợi, bị mua phải giá cao do bơm thổi từ việc nhận cọc, các chuyên gia còn cảnh báo những trái đắng mà khách hàng chưa thể lường trước.
Nhiều vụ việc tranh chấp pháp lý giữa chủ đầu tư, công ty môi giới và khách hàng đã xảy ra, khiến vụ việc thậm chí phải đưa ra tòa. Khách hàng với tâm lý mua nhà để an cư, lạc nghiệp phải chạy theo những phiên tòa phức tạp, kéo dài và cũng không hề dễ dàng để người mua lấy lại được tiền, ngay cả khi đã được tòa án tuyên xử.
IV. TRÁI ĐẮNG VÀ RỦI RO

Ngay cả khi có những sự kiện giới thiệu, quảng cáo rầm rộ, người mua nhà cũng chỉ nên tham gia giao dich khi dự án đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý để mở bán.
Việc nhận đặt chỗ thực chất là một chiêu lách luật của việc đặt cọc mua nhà ở hình thành trong tương lai vốn đã bị cấm theo luật.
Vì vậy, người mua cần giữ được sự tỉnh táo, tránh chạy theo tâm lý đám đông nhằm giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào thị trường bất động sản, để rồi nhận trái đắng, tiền mất nhưng nhà thì không có, mà muốn đòi lại tiền thì cũng không biết phải tìm ai.
Trong một thị trường, khi mà lợi ích của các bên tham gia đều phải được đảm bảo công bằng thì nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng, chỉ tham gia giao dich khi dự án đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý để mở bán.
146