Nhiều 'đại bàng' công nghệ lên kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam
Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu đã có kế hoạch cụ thể về chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam.
Đây là một trong những thông tin được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn hôm 14/12.
Theo bộ trưởng, Việt Nam đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; ban hành chương trình phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong thời gian qua, các cơ quan Việt Nam đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Qualcomn, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Đến nay, Việt Nam hiện có 174 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỉ đô la Mỹ.
Riêng với Nvidia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Thủ tướng giao phối hợp với cơ quan liên quan thành lập hai tổ, gồm tổ công tác triển khai hợp tác và tổ đàm phán với Nvidia, nhằm thu hút đầu tư, cụ thể hóa phương án hợp tác và đã đạt được nhiều kết quả.
Theo đó, ngày 5/12/2024, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Nvidia ký kết hợp tác thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển và trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam.
Lãi suất cho vay giảm 0,96% so với cuối năm 2023
Thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2024 là một năm kinh tế thế giới đối mặt với nhiều biến động phức tạp và khó lường. Với đặc thù là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những biến động này.
Trong bối cảnh đó, kết thúc năm 2024, ngành ngân hàng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Lạm phát bình quân 11 tháng được kiểm soát ở mức 3,69%; mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
NHNN điều hành Tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.
Về tăng trưởng tín dụng, tính đến 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Không hoàn thành mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội năm 2024
Thông tin được nêu trong báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Xây dựng ngày 14/12, Theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp", trong năm 2024 cả nước đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 130.000 căn, song chỉ tiêu này không hoàn thành.
Bộ Xây dựng cho biết đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mỗi bộ thực hiện 5.000 căn hộ nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội...
Song, qua thực tế triển khai ở các địa phương cho thấy không thể hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay.
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 580.109 căn, trong đó số lượng dự án hoàn thành là 96 với quy mô 57.652 căn.
Theo Bộ Xây dựng, mục tiêu cho năm mới 2025 là, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95%; Số lượng căn nhà ở xã hội ước hoàn thành trên 100.000 căn. Diện tích nhà ở bình quân đạt 27 m2 sàn/người.
10