Nhận định sắp tới quy mô thương mại quốc tế càng ngày càng phát triển, Việt Nam phải sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 3 mục tiêu, 7 giải pháp đột phá phát triển ngành logistics, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển đất nước.
Ba mục tiêu phát triển ngành logistics, góp phần phục vụ mục tiêu lớn phát triển đất nước: (1) Giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025; (2) nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam trong quy mô GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%; đồng thời nâng tỷ trọng của ngành logistics Việt Nam so với quy mô ngành logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5% và phấn đấu đạt 0,6%; (3) nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14-15% mỗi năm hiện nay lên 20%.
Để đạt được các mục tiêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra 7 giải pháp, đó là:
Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành logistics và vị trí Việt Nam ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trong chuỗi logistics thế giới.
Thứ hai, tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng để phát triển ngành xứng tầm, với quan điểm "thể chế là nút thắt của nút thắt", là "đột phá của đột phá".
Thứ ba, xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là phát triển ngành hàng không, hàng hải và đường sắt tốc độ cao.
Thứ tư, xây dựng quản trị thông minh và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics.
Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao logistics và hiện đại hóa ngành logistics nội địa.
Thứ sáu, xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do, đồng thời quản lý hiệu quả, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Thứ bảy, kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông (hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa) và kết nối với giao thông quốc tế, với các khu thương mại tự do của thế giới.
Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các cơ quan, địa phương tích cực, chủ động triển khai các giải pháp theo 7 giải pháp, đột phá nói trên. Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì, cùng các bộ, ngành xây dựng chiến lược phát triển ngành logistics, đề án phát triển quốc gia thương mại tự do, phát triển các khu thương mại tự do ở biên giới.
1