Hà Nội sẽ có khoảng 10.600 điểm bán hàng phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Ất Tỵ
Ngày 15/12, đại diện lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết, để chuẩn bị tốt nhất cho thị trường Tết 2025, Sở thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố trong thời gian thực hiện từ tháng 7/2024 đến hết tháng 6/2025.
Theo đó, để chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết, trên toàn TP Hà Nội hiện đã có hơn 10.600 điểm bán với 22 đơn vị sản xuất, kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia, thực hiện dự trữ và cung ứng các mặt hàng bình ổn thị trường.
Ngoài ra, từ tháng 10/2024, Sở đã chủ động theo dõi sát thông tin tình hình thị trường và xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Trong đó, đã xác định nhóm hàng, dự báo khả năng cung ứng, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân 3 tháng trước, trong và sau Tết.
Từ đó, Sở đã hướng dẫn, đề nghị các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch trữ hàng hóa tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đưa hàng hóa phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn trong dịp Tết, hoạt động phân phối hàng hóa được tổ chức đồng bộ với nhiều hình thức.
Đồng thời, tổ chức trên các kênh bán hàng đa phương tiện với 268 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn.
39.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 12/2024, 15 doanh nghiệp có khả năng chậm trả
Theo báo cáo chiến lược tháng 12 của Mirae Asset, khoảng 50 trái phiếu dự kiến sẽ đáo hạn trong tháng cuối cùng của năm 2024, với tổng giá trị đáo hạn đạt khoảng 39.000 tỷ đồng.
Trong đó, khoảng 8.500 tỷ đồng đến từ lĩnh vực sản xuất; 7.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp xây dựng; 7.000 tỷ đồng khác từ lĩnh vực bất động sản; và các ngân hàng thương mại chiếm gần 6.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Mirae Asset đánh giá có khoảng 16 trái phiếu đến từ 15 doanh nghiệp khác nhau có khả năng sẽ không thể thanh toán đúng hạn và có thể sẽ cần phải dời thời hạn thanh toán theo Nghị định 08/2023/NĐ-CP.
Điểm chung của các doanh nghiệp này bao gồm (1) phần lớn đều hoạt động trong lĩnh vực phát triển bất động sản; (2) thiếu minh bạch trong việc công bố thông tin và không có lịch sử hoạt động; (3) kết quả kinh doanh không khả quan cùng với tỷ lệ đòn bẩy tài chính lớn; (4) từng ghi nhận trái phiếu có trường hợp chậm trả lãi hoặc gốc.
Vi phạm về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Công ty TNHH Hempel Việt Nam bị xử phạt
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đối với Công ty TNHH Hempel Việt Nam.
Theo đó, Công ty TNHH Hempel Việt Nam (Trụ sở chính đường số 7, KCN Long Thành, xã Tam An, huyện Lòng Thành, tỉnh Đồng Nai) đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Cụ thể, Công ty TNHH Hempel Việt Nam đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư (gia hạn thời gian thuê nhà xưởng trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư).
Với hành vi vi phạm nêu trên Công ty TNHH Hempel Việt Nam bị xử phạt 85 triệu đồng.
Được biết, Công ty TNHH Hempel Việt Nam do ông Phạm Văn Học là người đại diện theo pháp luật. Công ty này hoạt động chuyên sản xuất sơn và dung môi pha sơn dùng cho các ngành: công nghiệp hàng hải, dầu khí, xăng dầu, điện, thép, ngành trang trí và hóa dầu, sơn dùng để sơn container và tua bin gió…
5