Chạm tay vào giấc mơ nhà ở
Nằm đối diện nhà máy của Foxconn Bắc Giang khu nhà ở xã hội Evergreen (TX Việt Yên, Bắc Giang) gây chú ý vì cứ xây đến đâu thì tỷ lệ lấp đầy, bàn giao hết tới đó. Thậm chí, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (NOXH) này đã quyết định khởi công xây dựng toàn bộ dự án ngay trong năm nay mà không phân kỳ đầu tư sang các năm sau.
Là địa phương ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển NOXH, giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành gần 4.700 căn hộ, góp phần cải thiện điều kiện sống cho người lao động, công nhân trong các khu công nghiệp.
Tính riêng năm 2025, Bắc Giang đặt mục tiêu hoàn thành hơn 5.200 căn hộ và đã cấp phép cho 5 dự án nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là nguồn vốn ưu đãi chính sách cho người dân vay vốn mua, thuê nhà ở xã hội cũng cần được khơi thông, để vốn tới tay người mua nhà.
Theo ông Nguyễn Văn Cảnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang thông tin cho biết, năm 2025, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong tỉnh dự kiến sẽ mở bán hơn 2,8 nghìn căn hộ nhà ở xã hội, cần khoảng 400 tỷ đồng vốn cho vay. Trong đó, giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vay vốn tiếp tục ở mức cao, ước tính cần khoảng 1.200 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang: “Hiện nay, chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với nhà ở xã hội có thời gian vay dài, tối đa 25 năm, thuận tiện cho người lao động tích góp, trả dần, đỡ áp lực cuộc sống. Thứ hai, lãi cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Thứ ba về giải ngân, thủ tục được cắt giảm rất nhiều. Người vay chỉ cần có hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, sau đó gửi ngân hàng chính sách xã hội và làm thủ tục.
Câu chuyện phát triển nhà ở xã hội ở Bắc Giang cho thấy, cùng với nguồn vốn thương mại, thì nguồn vốn chính sách sẽ góp phần tích cực để người dân và người lao động sớm có được chốn an cư.
Nếu nhìn rộng ra trên cả nước, việc triển khai dự án ở các địa phương nói chung vẫn gặp không ít khó khăn khi nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội hiện nay chủ yếu dựa vào các "gói" ngắn hạn hoặc trung hạn của các tổ chức tín dụng, tiền ngân sách khá nhỏ giọt, chưa mang tính "chủ lực" như vốn của Nhà nước.
Trong khi đó, vì các ngân hàng cũng phải cân đối nguồn lực nên các gói tín dụng ưu đãi chỉ có thể giảm lãi suất một cách hạn chế, khoảng 1,5 - 2% so với lãi suất thị trường và chỉ trong thời hạn nhất định (khoảng 5 năm), sau đó người vay sẽ phải chịu lãi suất thị trường. Điều này dẫn đến tính hấp dẫn của gói vay đối với người mua nhà và chủ đầu tư còn thấp, góp phần hạn chế nguồn cung.

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Giang: “Năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội Bắc Giang chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu với số tiền khoảng 87 tỉ đồng. Năm 2025, ngân hàng được phân bổ 210 tỉ đồng, cộng với nguồn hỗ trợ của tỉnh Bắc Giang từ nguồn kế hoạch khoảng 30 tỉ đồng nữa, như vậy với khoảng 240 tỉ đồng, chúng tôi hi vọng có thêm nhiều người lao động có nhà ở, đảm bảo mục tiêu “an cư lạc nghiệp”.
Đất nền tăng giá bất thường, hàng loạt địa phương liên tục cảnh báo "sốt ảo"
Từ đầu năm 2025 đến nay, hiện tượng “sốt đất” cục bộ đã liên tiếp xuất hiện tại nhiều địa phương như Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang... Điểm chung dễ nhận thấy là những khu vực này đều được môi giới gắn với thông tin quy hoạch mới hoặc sáp nhập hành chính.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản yêu cầu Công an tỉnh cùng các sở, ngành chức năng tiến hành kiểm tra hoạt động giao dịch bất động sản trên địa bàn TP. Hoa Lư, đặc biệt là đối với nhà ở riêng lẻ và đất ở, nhằm xác minh tình trạng tăng giá đột biến thời gian gần đây.
Tương tự, Sở Xây dựng tỉnh Phú Thọ cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ sốt đất ảo trên địa bàn, đồng thời cho biết giá đất tăng cao chỉ là các chiêu trò thổi giá của "cò đất".
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khuyến cáo nhà đầu tư cần thận trọng trước các cơn sốt ảo. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá đất khu vực dự kiến đầu tư và nắm rõ tiến độ thay đổi quy hoạch để đánh giá rủi ro.
Bộ Xây dựng đề xuất lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia
Bộ Xây dựng đề xuất hình thành Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia, từ đó sẽ tạo lập quỹ nhà ở xã hội, quản lý quỹ nhà ở xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng, đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội theo điều kiện. Theo dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng , đây là quỹ do Chính phủ thành lập với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Quỹ này đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư để hình thành quỹ nhà ở xã hội, hỗ trợ lãi suất cho vay mà không yêu cầu thế chấp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này cũng như hỗ trợ các đối tượng chính sách trong tiếp cận nhà ở. Cơ chế quản lý và sử dụng quỹ sẽ do Chính phủ quy định, cụ thể nhằm đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động.
797